Search the Site

Donate

How Many Isaiahs Were There? (Vietnamese)

Sách Ê-sai giống như một tấm thảm, với nhiều bàn tay góp phần vào sự thống nhất lớn của nó. Các học giả nhận ra ít nhất ba tác giả khác biệt trong sách Ê-sai: Ê-sai thứ nhất, thứ hai và thứ ba.


Marc Chagll
Marc Chagall

Có mấy người tiên tri Ê-sai?

Tác giả: H. G. M. Williamson

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Nhiều độc giả Kinh Thánh cho rằng vì các sự kiện lịch sử trong nửa phần sau của sách Ê-sai là những lời tiên tri cho nên tất cả 66 chương của sách đều đã được nhà tiên tri Ê-sai viết ra nhiều năm trước khi các sự kiện đó xảy ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta khảo sát lại các chương sách này một cách kỹ càng hơn chúng ta sẽ thấy vấn đề tác quyền của Ê-sai không đơn giản như vậy.

Sách Ê-sai đề cập đến các sự kiện lịch sử cách nhau ít nhất 200 năm. Ví dụ: 1) Ê-sai 7 ghi lại sự kiện cuộc xâm lăng Giu-đa mà chúng ta biết đã diễn ra vào những năm 730 TCN; sự kiện này xảy ra trước thời kỳ lưu đày Ba-by-lôn, 2) Ê-sai 45:1 đề cập đến vua Ba Tư Si-ru, nói về sự mong chờ Đại đế Si-ru chiếm Ba-by-lôn vào năm 539 TCN, và 3) các chương cuối của sách Ê-sai, như Ê-sai 60, mô tả những sự kiện giống như tình huống người Do Thái lưu vong ở Ba-by-lôn hồi hương trong thời kỳ cai trị của Ba Tư từ năm 538 TCN trở đi.  Nhiều phân đoạn khác trong Ê-sai có thể liên quan chặt chẽ đến các sự kiện hồi hương này mặc dù những phân đoạn này có thể không đề cập trực tiếp đến việc hồi hương.

Để bắt đầu tìm hiểu về quyền tác giả của Ê-sai, câu hỏi mà chúng ta phải nêu lên không chỉ là ý nghĩa của những lời tiên tri của tác giả là gì, nhưng phải là quan điểm của tác giả là gì. Bắt đầu từ Ê-sai 40, độc giả dễ nhận ra rằng tác giả không đề cập đến những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai của thời điểm của tác giả, trong vòng 150 năm tới.  Tác giả dường như đối thoại trực tiếp với độc giả hoặc thính giả đương đại trong thời điểm của mình. Tác giả đã nói lên ý thức của độc giả về sự suy sụp tâm linh, và mong chờ sự xuất hiện sắp tới của Đại đế Si-ru – người sẽ cho họ trở về quê hương Giê-ru-sa-lem, để họ được xây dựng lại ngôi đền thờ (xem Ê-sai 44:24–28).

Một khi chúng ta bắt đầu đọc sách Ê-sai theo những nhận xét đó chúng ta sẽ nhận ra rằng những sự kiện lịch sử mà tác giả đề cập đến là những việc đang xảy ra ở hiện tại, chứ không phải ở tương lai — đây là một nhận biết rất rõ rệt, và chúng ta có thể áp dụng cách đọc này cho nhiều phân đoạn khác của sách. Thật khó mà chấp nhận rằng chính tiên tri Ê-sai có thể đã viết hết các chương của Ê-sai 1–39. Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể chấp nhận là Ê-sai đã viết những đoạn mà trong đó ông tự xưng mình là “Tôi” (ví dụ như trong Ê-sai 6 và Ê-sai 8) và một số bài thơ tiên tri; ngoài ra, Ê-sai 7, Ê-sai 20 và Ê-sai 36–39 là những câu chuyện nói về tiên tri Ê-sai, giống như một tác giả nào đó đã viết về những câu chuyện trong sách Các Vua.

Ngoài những nhận xét trên, các học giả có ý kiến khác nhau. Ý tưởng thần học được tỏ bày trong Ê-sai 24–27 dường như điển hình cho các tư tưởng mà người ta đã suy nghĩ và đã viết xuống cách sau thời đại của Ê-sai rất nhiều năm; chẳng hạn trong Ê-sai 26:19, quan niệm về tận thế và sự làm thân thể của người chết sống lại là hai khái niệm thần học dường như không có trong thế giới tư tưởng của các tác giả kinh văn mãi cho đến thời kỳ hậu lưu đày (thời gian sớm nhất). Tuy nhiên, nội dung của Ê-sai 35 lại giống như những bài thơ trong Ê-sai 40–55 (đặc biệt là Ê-sai 35:10 và Ê-sai 51:11), nhận xét này có thể được xem như là một đề xuất rằng Ê-sai 35 và 40–55 có cùng thời kỳ và có lẽ cùng một tác giả.

Kết quả của những khác biệt về quan điểm này có nghĩa là rất khó để đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi của chúng ta: Sách Ê-sai có mấy tác giả? Một số người nghĩ rằng câu trả lời dễ dàng là “ba” (Ê-sai 1–39, Ê-sai 40–55 và Ê-sai 56–66, cũng thường được gọi là Ê-sai nhất, Ê-sai nhì, và Ê-sai ba), nhưng việc này không đơn giản như vậy. Dường như có nhiều người đã đóng góp vào bản kinh văn tuyệt tác này, và tất nhiên chúng ta không quên công việc của các biên tập viên cổ đại đã biên soạn nó. Do đó, Ê-sai giống như một tấm thảm, được dệt với nhiều bàn tay riêng rẽ cùng đóng góp để làm thành một tác phẩm lớn.

  • H. G. M. Williamson

    H. G. M. Williamson is Regius Professor of Hebrew in the University of Oxford, a student of Christ Church, and a fellow of the British Academy. He has written several books on Isaiah, including Variations on a Theme: King, Messiah and Servant in the Book of Isaiah (Paternoster, 1998), The Book Called Isaiah: Deutero-Isaiah’s Role in Composition and Redaction (Clarendon, 1994), and A Critical and Exegetical Commentary on Isaiah 1-27, 1: Isaiah 1-5 (T & T Clark, 2006).